Sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) giúp các doanh nghiệp thuận tiện trong quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đồng thời tiết kiệm chi phí khá nhiều so với hóa đơn giấy.
Dùng hết hóa đơn giấy phải chuyển sang HĐĐT
Sáng 5/11, Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo cập nhật chính sách thuế và những quy định mới về hoá đơn điện tử, nhằm nâng cao năng lực quản trị cũng như khả năng tiếp cận nguồn tín dụng cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành Thuế đã ban hành nhiều chính sách mới về thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng… và nhất là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 mới được thông qua.
Bên cạnh đó, Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hoá đơn điện tử cũng mới được ban hành. Để giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các chính sách mới, cần sự phối hợp tích cực, sự chuẩn bị kỹ càng từ doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương.
Ông Lê Nguyên Hợp – một chuyên gia về hóa đơn, lưu ý các doanh nghiệp khi sử dụng HĐĐT cần chú ý đến thời điểm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Theo quy định của Nghị định 119/2018/NĐ-CP, thời điểm bắt buộc sử dụng HĐĐT là từ ngày 1/11/2020. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành xong việc chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.
Riêng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn phải hoàn thành triển khai trong năm 2019. Nếu doanh nghiệp, tổ chức kinh tế dùng hết hóa đơn giấy trước ngày 1/11/2019 thì sẽ chuyển sang HĐĐT, không được tiếp tục in và sử dụng hóa đơn giấy. Trường hợp chưa đủ điều kiện để dùng HĐĐT thì được dùng hóa đơn giấy, nhưng phải gửi dữ liệu hóa đơn theo mẫu quy định và thời hạn sử dụng hóa đơn giấy cuối cùng là hết ngày 31/10/2019.
Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao.
Trường hợp tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.
Trong thời gian Thông tư 32/2011/TT-BTC còn hiệu lực thi hành (đến hết ngày 31/10/2020) thì căn cứ để kê khai nộp thuế là ngày lập trên hóa đơn điện tử. Do đó, HĐĐT có ngày lập và chữ ký số thì dù ngày lập và ngày ký không trùng nhau vẫn là hóa đơn hợp lệ.
Ông Hợp cho biết thêm, HĐĐT không bị hạn chế về số dòng trên hóa đơn, do vậy doanh nghiệp phải thể hiện đầy đủ danh mục hàng hóa, không được viết hóa đơn “theo hợp đồng số…” hoặc “kèm theo bảng kê”.
Riêng trường hợp bán xăng dầu cho người tiêu dùng là cá nhân, được lập bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT tháng/quý để gửi cùng tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Lựa chọn nhà cung cấp phần mềm có năng lực
Chị Lê Hoàng Yến – kế toán Công ty TNHH kết cấu thép Vstell cho biết, hiện công ty chưa sử dụng HĐĐT vì còn hóa đơn giấy. Công ty cũng đang nghe ngóng tình hình tại một số doanh nghiệp thân quen đã sử dụng HĐĐT để cân nhắc sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Còn vị đại diện Công ty TNHH Thái Sơn cho biết, được sự hỗ trợ của cơ quan thuế, công ty đã chủ động giao nhân sự tìm hiểu và kết hợp với bên cung cấp phần mềm nghiên cứu và sử dụng HĐĐT. Đến nay, công ty đã sử dụng HĐĐT được 1 năm. Trong quá trình sử dụng HĐĐT, công ty không gặp khó khăn, vướng mắc. Việc sử dụng HĐĐT giúp công ty thuận tiện trong quản lý và truy xuất hàng hóa, đồng thời, nếu sử dụng nhiều thì chi phí rẻ hơn khá nhiều so với hóa đơn giấy.
Ông Lê Nguyên Hợp cũng cho rằng, việc quy định các doanh nghiệp lớn, hộ kinh doanh phải chuyển sang HĐĐT vào năm 2020 là rất cần thiết. Trong thời gian qua, việc in hóa đơn giấy xảy ra rất nhiều tiêu cực như hóa đơn giả, mua bán hóa đơn, kê khống rất nhiều nhưng mua ít nhằm trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Do đó, việc sử dụng HĐĐT là rất cần thiết và tạo sự minh bạch.
Ông Hợp cho biết thêm, trên thị trường có khoảng 100 nhà cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử. Do đó, cơ quan thuế cần quy định nhà cung cấp phần mềm phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, cơ quan thuế cần tìm hiểu kỹ nhà cung cấp nào làm ăn có uy tín, có năng lực để định hướng cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, cơ quan thuế có hướng dẫn về việc chuyển đổi từ hóa đơn theo Thông tư 32 sang hóa đơn theo Thông tư 68, nếu hóa đơn còn dư thì yêu cầu các nhà cung cấp phần mềm nâng cấp phần mềm hóa đơn từ Thông tư 32 lên Thông tư 68, vì hai phần mềm này khác nhau về kỹ thuật, do đó thực hiện chuyển đổi để doanh nghiệp không mất thêm chi phí.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.