6 tháng đầu năm chúng ta nhận được tin nhiều doanh nghiệp lớn giải thể. Vậy sự khác nhau giữa giải thể và phá sản là gì? Mời quý vị theo dõi bài viết sau của Tư vấn Blue.
Một là, lý do giải thể và phá sản doanh nghiệp:
Giải thể đối với mỗi loại doanh nghiệp là không đồng nhất và rộng hơn nhiều so với lý do phá sản doanh nghiệp; cụ thể: Theo quy định của pháp luật hiện hành, có rất nhiều lý do để giải thể một doanh nghiệp, như doanh nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; doanh nghiệp giải thể theo quyết định của chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu doanh nghiệp,…
Trong khi đó, phá sản doanh nghiệp chỉ có một lý do duy nhất đó là doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Hai là, tính chất của thủ tục giải thể và thủ tục phá sản doanh nghiệp:
Thủ tục giải thể doanh nghiệp là một thủ tục hành chính và được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 còn thủ tục phá sản doanh nghiệp là một thủ tục tư pháp và được thực hiện thep quy định Luật Phá sản 2014.
Ba là, chủ thể quyết định việc giải thể và phá sản doanh nghiệp:
Đối với giải thể doanh nghiệp có thể chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định đối với trường hợp giải thể tự nguyện hoặc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập doanh nghiệp quyết định đối với trường hợp giải thể bắt buộc.
Phá sản doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đó là Tòa án.
Bốn là, điều kiện giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp:
Đối với giải thể doanh nghiệp thì điều kiện để doanh nghiệp được phép giải thể đó là khi doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp; các chủ nợ sẽ được thanh toán đầy đủ các khoản nợ theo thứ tự pháp luật quy định.
Đối với phá sản doanh nghiệp thì bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp không phải là điều kiện bắt buộc. Theo quy định của Luật Phá sản 2014, các chủ nợ sẽ được thanh toán các khoản nợ theo thứ tự luật định trên cơ sở số tài sản còn lại của doanh nghiệp, trừ trường hợp đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh. Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ; phần nợ còn thiếu thì các chủ nợ phải chịu rủi ro. Như vậy, doanh nghiệp bị phá sản có thể thanh toán hết hoặc không thanh toán hết các khoản nợ cho các chủ nợ.
Năm là, hậu quả pháp lý của việc giải thể và phá sản doanh nghiệp:
Giải thể doanh nghiệp dẫn đến chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và doanh nghiệp bị xóa tên trong sổ đăng ký doanh nghiệp.
Phá sản doanh nghiệp không phải bao giờ cũng là chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, không phải trường hợp mở thủ tục phá sản nào cũng dẫn đến việc doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp còn có thể có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không nhất thiết sẽ dẫn tới việc mở thủ tục phá sản; ngay cả khi yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp còn tới thời gian 3 tháng có thể thương lượng với chủ nợ. Khi doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động kinh doanh thì được coi là không còn lâm vào tình trạng phá sản nếu thủ tục phục hồi doanh nghiệp được thực hiện thành công.
Sáu là, thái độ của Nhà nước đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp:
Pháp luật hiện hành cho thấy đối với giải thể không đặt ra chế tài hạn chế quyền tự do kinh doanh của người quản lý, điều hành.
Nhưng đối với phá sản thì nhà nước có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh đối với chủ sở hữu hay người quản lý điều hành, như: Điều 130 Luật Phá sản năm 2014 quy định trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng, còn lại các trường hợp khác sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản; người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn Nhà nước…
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.