Như vậy là ngày 30/9/2019 vừa qua, Bộ Tài Chính đã chính thức ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC quy định về hóa đơn điện tử (HDDT). Đây là thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ.
Thông tư 68/2019/TT-BTC quy định về hóa đơn điện tử đã đưa ra một số quy định mới đồng thời làm rõ một số khái niệm tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và thực tế triển khai áp dụng HDDT. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp quý doanh nghiệp tổng hợp những thay đổi của hóa đơn điện tử theo Thông tư 68/2019/TT-BTC Cụ thể:
1. Quy định mới nhất về thời điểm áp dụng hóa đơn điện tử
Một trong những vấn đề được các kế toán viên và doanh nghiệp quan tâm hàng đầu tại Thông tư 68 này chính là quy định về thời điểm áp dụng hóa đơn điện tử và hiệu lực thi hành của Thông tư.
Theo đó, Khoản 3 và 4 Điều 26 tại Thông tư 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài Chính đã quy định rất rõ ràng về vấn đề này, chúng tôi xin được trích dẫn nguyên văn như sau:
“Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này.”
Như vậy, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh sẽ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình đã quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Thông tư số 68/2019/TT-BTC.
2. Những thay đổi về nội dung hóa đơn điện tử
Tại Điều 3 Thông tư 68/2019/TT-BTC quy định về hóa đơn điện tử, nội dung của hóa đơn đã có một số thay đổi:
- Sửa đổi về ký hiệu mẫu và ký hiệu hóa đơn,
- Thời điểm lập Hóa đơn điện tử được hướng dẫn cụ thể hơn nhưng vẫn phù hợp với quy định theo từng trường hợp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại Điều 7, Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Điều 4 của Thông tư 68/2019/TT-BTC,
Thông tư cũng quy định rõ ràng về việc hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký của người mua trong từng trường hợp và lĩnh vực cụ thể.
Trong đó, theo Khoản 1 – Điều 3 của Thông tư 68/2019/TT-BTC quy định về hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính đã chi tiết hóa yêu cầu đối với nội dung của hóa đơn điện tử, bao gồm:
- Yêu cầu tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn,
- Yêu cầu tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán,
- Yêu cầu tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu người mua có mã số thuế),
- Yêu cầu Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế suất thuế GTGT, tổng cộng tiền thuế GTGT, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng tiền thanh toán đã có thuế GTGT,
- Yêu cầu chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán và người mua,
- Yêu cầu thời điểm lập hóa đơn điện tử,
- Yêu cầu mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế,
- Yêu cầu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, chiết khấu thương mại, khuyến mại (nếu có).
Ngoài ra, các yêu cầu về chữ số, chữ viết và đồng tiền thể hiện trên hóa đơn điện tử, các trường hợp hóa đơn không nhất thiết có đầy đủ các nội dung,… cũng được quy định rất rõ tại điều này.
3. Định dạng hóa đơn điện tử
Thông tư 68/2019/TT-BTC quy định về hóa đơn điện tử đã quy định cụ thể hơn về định dạng của hóa đơn, theo đó:
Định dạng hóa đơn điện tử gồm hai thành phần: thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hoá đơn điện tử và thành phần chứa dữ liệu chữ ký số. Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì có thêm thành phần chứa dữ liệu liên quan đến mã cơ quan thuế.
4. Điều kiện của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử
Với việc Thông tư 68/2019/TT-BTC quy định về hóa đơn điện tử đã tạo ra những thay đổi nhất định về nội dung hóa đơn, định dạng hóa đơn thì các nhà cung cấp cũng cần phải thay đổi nhằm đáp ứng được những yêu cầu của thông tư này.
Các điều kiện này được quy định rất rõ tại Điều 23 – Chương IV của Thông tư này. Các điều kiện bao gồm chủ thể, nhân sự và kỹ thuật. Do đó, những doanh nghiệp nào tự mình xây dựng phần mềm hóa đơn điện tử riêng mà không sử dụng của các bên trung gian cần phải lưu ý đến các điều kiện này và thay đổi cho đúng và phù hợp với pháp luật.
5. Chuyển tiếp hóa đơn điện tử, xử lý hóa đơn sai sót
Từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các đơn vị vẫn có thể áp dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành 2 Nghị định trên nếu cơ quan thuế chưa có thông báo.
Kể từ thời điểm sử dụng hóa đơn điện tử, nếu phát hiện hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót.
Trên đây là những điểm cần lưu ý chính của thông tư 68 về việc thay đổi của hóa đơn điện tử. Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí