Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng tình trạng mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị giá tăng (GTGT) vẫn diễn ra ở nhiều nơi với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Những vi phạm nêu trên không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng
Sau một thời gian điều tra, vừa qua Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Tiến Mạnh, trú tại huyện Tĩnh Gia về hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Trong vụ án này, Lê Tiến Mạnh đã cấu kết với một số đối tượng lập ra 10 công ty “ma” với mục đích bán hóa đơn GTGT thu lợi bất chính. Theo điều tra ban đầu, chỉ riêng hai năm 2017 và 2018, Mạnh đã mua bán hóa đơn đầu vào và bán hơn 2.000 hóa đơn đầu ra với tổng số tiền hơn 440 tỷ đồng cho gần 400 doanh nghiệp trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước đó, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương cũng phát hiện xử lý, điều tra truy tố hàng loạt vụ việc liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Ðiển hình như tại tỉnh Hưng Yên, cơ quan công an đã khởi tố Tạ Thị Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Hoa ở huyện Tiên Lữ cùng các đồng phạm có hành vi mua bán trái phép 115 hóa đơn GTGT với số tiền gần 29 tỷ đồng. Ðặc biệt, tại TP Hải Phòng, cơ quan công an đã khởi tố nhóm đối tượng do Nguyễn Thu Hà và Nguyễn Thị Thùy Huệ cùng trú tại quận Hải An cầm đầu. Các đối tượng này đã giao dịch trót lọt hơn 2.000 hóa đơn GTGT, với số tiền lên đến gần một tỷ đồng.
Qua điều tra cho thấy, hầu hết các đối tượng trong các vụ án mua bán trái phép hóa đơn GTGT đều có chung một phương thức là thành lập các công ty “ma” sau đó mua hóa đơn GTGT của cơ quan thuế và bán ra thị trường nhằm hưởng lợi bất chính. Bằng những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng nêu trên đã hoạt động trong thời gian rất dài nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Theo Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ (Bộ Công an), trước đây việc mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn GTGT chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, chiếm đoạt tiền thuế thì hiện nay các đối tượng lại có những “chiêu trò” mới, như gian lận, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước thông qua việc mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu… Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng.
Trước đây, việc lập doanh nghiệp ảo nhằm mua bán hóa đơn còn mang tính chất tự phát của một số cá nhân và hoạt động đơn lẻ thì gần đây đã xuất hiện việc thành lập doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn, thực hiện có sự câu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Trong số đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập doanh nghiệp ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu, sau đó các bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm rồi ghi khống. Với chiêu thức này, bên doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hàng hóa đầu vào và bên bán hóa đơn cùng được hưởng lợi.
Chính thủ đoạn câu kết phức tạp này, việc phát hiện và xử lý các đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Sau khi thuê người thành lập doanh nghiệp ảo, mua được hóa đơn, bán và thực hiện xong hành vi, đối tượng tìm cách tiêu hủy tài liệu, tang vật rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ðịa bàn hoạt động của đối tượng cũng biến ảo, nếu trước đây thường công khai thì nay lui vào lén lút, bí mật, trong đường dây lại có các mắt xích trung gian, mua bán theo kiểu trao tay, hẹn giao hóa đơn, tiền ở những địa điểm khác nên rất khó phát hiện. Việc giao dịch cũng đã có những thay đổi, mỗi lần giao dịch mua, bán chúng thường phân tán, chia nhỏ số lượng để tránh bị phát hiện hoặc nếu phát hiện chỉ là hành vi nhỏ lẻ.
Để góp phần ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trước hết các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác hậu kiểm, kiểm soát tốt hoạt động thành lập doanh nghiệp. Việc này phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục; cùng với đó phải giám sát chặt chẽ việc thành lập các doanh nghiệp. Chưa kể, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, siết chặt những kẽ hở trong hoạt động doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế. Ngoài ra, người dân cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật, tuyệt đối không cho người khác mượn danh và không nhận lời làm người chịu trách nhiệm của bất kỳ công ty nào mà không nắm rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh. Ðặc biệt, khi mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ có giá trị từ 200 nghìn đồng trở lên phải yêu cầu bên bán xuất hóa đơn theo đúng quy định, tránh tiếp tay cho cá nhân kinh doanh gian lận trốn thuế. Khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn giá trị gia tăng phải có trách nhiệm tố cáo với cơ quan chức năng để làm rõ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời đẩy mạnh triển khai rộng khắp hóa đơn điện tử.
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, một giải pháp quan trọng là cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT đối với bất kỳ hình thức và quy mô vi phạm nhằm tạo sức răn đe. Vì trên thực tế hiện nay chế tài xử lý hình sự vẫn chỉ áp dụng đối với những vụ vi phạm có số tiền lớn.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.