Công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam hình thành bởi sự liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hoặc hình thức công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo luật đầu tư và luật doanh nghiệp. Những đặc điểm nổi bật của công ty vốn đầu tư nước ngoài bạn cần biết khi dự kiến đầu tư kinh doanh theo hình thức này bao gồm:
Hình thức tổ chức.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được tổ chức dưới các hình thức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, ở Việt Nam có bốn hình thức doanh nghiệp là: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Trước đây, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chịu sự điều chỉnh của hệ thống quy định pháp luật riêng, tách bạch so với các nhà đầu tư trong nước thì hình thức tổ chức của loại doanh nghiệp này do các nhà làm luật định sẵn.
Với quan điểm hạn chế rủi ro một cách tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài và cũng để phục vụ cho mục đích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cùng với việc đảm bảo yêu cầu quản lý lúc bấy giờ, pháp luật quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tồn tại ở hai hình thức đó là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Tuy nhiên, hiện nay khi chúng ta xây dựng sân chơi chung, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, thì pháp luật không còn ấn định hình thức tổ chức riêng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng giống như các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của mình để thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Do đó, bản thân họ sẽ chủ động hơn trong việc tìm hiểu và lựa chọn hình thức tổ chức. Căn cứ theo pháp luật doanh nghiệp về mỗi loại hinh doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn, thì hình thức tổ chức có thể là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 100% vốn thì hình thức tổ chức là các loại hình công ty: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Trách nhiệm tài sản.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ có thể là một cá nhân có quốc tịch nước ngoài. Do không có sự phân tách về mặt tài sản giữa chủ sở hữu và doanh nghiệp nên chủ sở hữu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp này sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập dưới hình thức là các loại hình công ty (có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức), do có tư cách pháp nhân, nên trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong trường hợp này được phân tách rõ ràng thành: trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp và trách nhiệm tài sản của các nhà đầu tư là thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp đó. Về nguyên tắc, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng toàn bộ vốn và tài sản của doanh nghiệp. Còn đối với các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định tương ứng đối với hình thức tổ chức của doanh nghiệp. Nếu tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các nhà đầu tư sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Nếu hình thức tổ chức là công ty hợp danh, các nhà đầu tư là thành viên hợp danh của công ty này sẽ phải cùng nhau chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, nếu là thành viên góp vốn thì chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
Tư cách pháp lý.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà họ đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam. Trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân (không có tư cách pháp nhân), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo các hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh đều có tư cách pháp nhân.
Giấy phép được cấp cho công ty vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Như tôi đã nói công ty này hoạt động theo hai loại giấy phép độc lập đó là: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố hoặc ban quản lý các khu công nghiệp tùy thuộc vào địa bàn đầu tư của doanh nghiệp là trong khu công nghiệp hay ngoài khu công nghiệp; Loại giấy tờ thứ hai là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do phòng đăng ký kinh doanh tỉnh, thành phố cấp. Luật đầu tư 2014 đã chính thức bãi bỏ giấy chứng nhận mã số thuế của công ty vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra trong một số trường hợp doanh nghiệp sẽ được cấp thêm các giấy tờ sau
1. Quyết định chủ trương đầu tư áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp thuê đất trực tiếp của UBND tỉnh, thành phố để thực hiện dự án hoặc các trường hợp khác thuộc quy định xin cấp quyết định chủ trương đầu tư tại UBND tỉnh, thành phố theo luật đầu tư.
2. Giấy phép kinh doanh ghi nhận nội dung quyền phân phối bán buôn bán lẻ và quyền xuất nhập khẩu hàng hóa do UBND tỉnh, thành phố cấp.
Điểm khác biệt trong hoạt động đầu tư kinh doanh của công ty nước ngoài
Qua quá trình tư vấn pháp lý cho các công ty vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, luật sư nhận thấy có một số điểm khác biệt với doanh nghiệp trong nước như sau:
1. Theo luật đất đai 2014 thì công ty vốn nước ngoài chỉ được thuê đất đóng tiền một lần cho toàn bộ thời gian thuê.
2. Công ty vốn đầu tư nước ngoài chỉ được hoạt động kinh doanh theo các nội dung Việt Nam cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các văn bản pháp luật chuyên ngành còn hiệu lực tại thời điểm đăng ký công ty.
3. Công ty vốn đầu tư nước ngoài chỉ được mua nhà, đất trong các dự án phát triển nhà tại Việt Nam.
4. Công ty vốn nước ngoài được thành lập theo mô hình doanh nghiệp chế xuất (Toàn bộ hàng hóa sản xuất ra chỉ để xuất khẩu) để được hưởng các ưu đãi về thuế.
Mức thuế và các loại thuế áp dụng cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Theo luật quản lý thuế thì pháp luật áp dụng mức thuế thống nhất cho tất cả các loại hình doanh nghiệp và không phân biệt đó là công ty trong nước hay công ty vốn nước ngoài. Các loại thuế phải nộp của loại công ty này bao gồm
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ theo điều 11 thông tư 78/2014/TT-BTC thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng thống nhất là 20% thay vì chia làm hai mức như trước đây (Trước đây có hai mức là 20% và 22%).
2. Thuế giá trị gia tăng
Mức thuế giá trị gia tăng phụ thuộc vào loại hàng hóa, dịch vụ công ty kinh doanh. Có ba mức thuế là 0%, 5% và 10%.
3. Thuế môn bài
Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ trở xuống chịu mức thuế môn bài 2.000.000 đ/01 năm, doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ chịu mức thuế môn bài 3.000.000đ/ 01 năm.
Ngoài ra phụ thuộc vào hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp mà công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ phải chịu các loại thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế đất, …
Mọi vấn đề vướng mắc về đặc điểm công ty có vốn đầu tư nước ngoài, quý vị hãy liên hệ Tư vấn Blue để được hỗ trợ tư vấn miễn phí