Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, gần đây, công tác phát triển tài sản trí tuệ đã được các địa phương quan tâm, đầu tư. Để thị trường trong và ngoài nước biết đến nông sản Việt Nam, tăng giá trị cho sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu, CDĐL đã ngày càng trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng. Tư vấn Blue xin được bàn về vấn đề Phát huy tác dụng của chỉ dẫn địa lý trong bài viết ngày hôm nay.
Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý đã tác động đến nhận thức của doanh nghiệp, người dân về danh tiếng, giá trị của các sản phẩm. Do đó, giá trị, giá bán của các sản phẩm được bảo hộ đều có xu hướng tăng, trong đó có nhiều sản phẩm giá bán tăng từ 50% đến 100%, như: cam Vinh (Nghệ An), mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang), chuối ngự Ðại Hoàng (Hà Nam)…
Cơ quan quản lý cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao giá trị và tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trên cơ sở các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ đang lựa chọn ba chỉ dẫn địa lý để đăng ký sang Nhật Bản, là vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), thanh long Bình Thuận, cà-phê Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc). Với việc đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, sản phẩm nông sản của Việt Nam được bảo hộ, có cơ sở để xử lý các hành vi xâm phạm quyền lợi và có cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra, biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia cũng đang được xây dựng nhằm nhận diện thương hiệu quốc gia cho nông sản, là công cụ quảng bá, thương mại hóa các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc phát triển, thương mại hóa các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đang gặp nhiều khó khăn, nằm ngoài khả năng của địa phương và các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý hầu hết là sản phẩm thô, cho nên rất cần công nghệ chế biến để tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thí dụ như, trong quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản, Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn tiếc nuối khi sản phẩm vải sấy không được lựa chọn xuất khẩu vì sử dụng công nghệ sấy vải bằng than. Vùng trồng vải thiều Lục Ngạn đang rất cần các doanh nghiệp chế biến, có công nghệ sấy hiện đại tham gia để làm tăng giá trị cho sản phẩm. Các doanh nghiệp đầu tư trồng cam Vinh nhiều năm nay tìm kiếm công nghệ kéo dài thời gian bảo quản quả cam, nhưng chưa tìm được. Sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) vẫn chưa thể phát triển, mở rộng diện tích trồng vì thiếu công nghệ và quy trình sản xuất cây sâm giống. Bên cạnh đó, địa phương nóng lòng muốn được hỗ trợ thực hiện dán nhãn xuất xứ hàng hóa cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh bằng mã vạch, đăng ký sâm Ngọc Linh ở các thị trường lớn, như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… nhưng các thủ tục hỗ trợ vẫn chậm trễ. Nhung hươu Hương Sơn vừa được cấp chỉ dẫn địa lý, vì thế rất cần cơ quan chức năng đưa hươu sao ra khỏi danh mục động vật rừng thông thường, bổ sung vào danh mục giống vật nuôi để phát triển thương hiệu, nhất là ở thị trường nước ngoài…
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ là bước ban đầu để xác lập quyền sở hữu và những yếu tố pháp luật có liên quan đến đặc sản địa phương. Ðể phát triển bền vững, cần sự phối hợp giữa các bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương trong việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhất là gắn kết khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của địa phương, doanh nghiệp.
Quý khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ SHTT hay có bất kỳ thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí. Luật sư của chúng tôi sẽ làm hài lòng mọi nhu cầu của quý vị!