Hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu. Từ đó, giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường cũng như hành lang pháp lý vững chắc thu hút đầu tư.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) – Các cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý” diễn ra vào sáng 27/8.
Quyền SHTT lỏng lẻo làm nản lòng các nhà đầu tư
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, EVFTA là một FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu hơn và bao trùm nhiều lĩnh vực; trong đó nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, là một trong những nội dung mà các quốc gia thành viên phải thực thi.
Tuy nhiên, ông Linh cũng nhìn nhận một thực tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi quyền SHTT nhưng tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư và là điểm yếu, thách thức lớn nhất hiện nay với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin , phối hợp hành động; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; tiếp tục tận dụng hiệu quả kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ…
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ, các biện pháp kỹ thuật chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (TPM) không chỉ áp dụng đối với việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê…, mà còn áp dụng với việc tàng trữ với mục đích thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy. Hay các biện pháp ảnh hưởng thông tin quản lý quyền (RMI) không chỉ bảo vệ thông tin đối với bản gốc, mà còn bảo vệ thông tin với bản sao, bản công bố ra công chúng.
Đáng chú ý, các cam kết của EVFTA cao hơn WTO ở khía cạnh tăng quyền của Tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh, đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền.
Tuy nhiên đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hội về sở hữu trí tuệ, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ.
Cùng với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên sẽ là yếu tố đặc biệt đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU. Tuy nhiên, với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa mà còn điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, có vấn đề sở hữu trí tuệ. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia.
“Với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước”, Bộ trưởng đánh giá.
Lộ trình thi hành các cam kết về SHTT
Chia sẻ bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đánh giá, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực…
Việc chủ động trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14/6/2019 là bước chuẩn bị nghiêm túc để Việt Nam thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) theo lộ trình cũng như bảo đảm thi hành các cam kết trong EVFTA mà pháp luật hiện hành chưa tương thích cũng đang trong quá trình hoàn thiện.
Theo kế hoạch, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10/2019. Cùng với đó, các thủ tục cần thiết cho việc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp cũng đang được gấp rút hoàn tất.
Ngoài ra, Bộ KHCN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 vào ngày 22/8/2019 vừa qua, trong đó gồm nhiều giải pháp nhằm đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2030.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.